Trong lĩnh vực logistics, việc lựa chọn đúng các loại container phù hợp với hàng hóa là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bài viết này được tham khảo từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics, cung cấp cho bạn thông tin chính xác và đáng tin cậy về các loại container.
Container là gì ?
Container (hay còn gọi là công-te-nơ hoặc viết tắt là Cont) là một loại bao bì vận tải lớn, có thể tái sử dụng được thiết kế để vận chuyển hàng hóa bằng nhiều phương thức vận tải khác nhau (đa phương thức) mà không cần phải dỡ hàng ra khỏi container khi chuyển từ phương thức này sang phương thức khác.
Đặc điểm và cấu tạo container:
- Container có cấu tạo dạng hình hộp chữ nhật làm bằng thép chịu lực, có cửa ở một hoặc hai đầu hoặc không có đối với container đặc biệt (FR)
- Kích thước container phổ biến nhất là 20 feet và 40 feet và số ít loại 45 feet.
- Tùy thuộc từng loại container, nó sẽ phép đóng gói nhiều loại hàng hóa, từ hàng khô, hàng lỏng, hàng máy móc đến hàng đông lạnh.
Container bắt đầu xuất hiện từ thể ký 18, Malcolm McLean được coi là “cha đẻ của container vận tải” với việc phát triển hệ thống container hiện đại vào những năm 1950. Việc ứng dụng container được xem là cuộc đại cách mạng hóa ngành vận tải và thương mại quốc tế.
Đọc thêm các bài viết khác cùng chủ đề:
Quy trình xếp dỡ hàng hóa container tại kho bãi & cảng biển
CBM là gì? Cách tính CBM container số khối hàng SEA, Air và đường bộ
Các loại container phổ biến nhất
Hiện nay có 6 loại container phổ biến với 2 loại kích thước chính là 20 feet và 40 feet, bao gồm:
- Container khô – Dry container(Container thường – tiêu chuẩn): Chuyên chở hàng khô thông thường, hàng bách hóa.
- Container lạnh – Reefer container (Container bảo ôn): Chuyên chở hàng hóa cần đóng lạnh như thực phẩm, đồ tươi sống.
- Container bồn – Tank container: Chuyên chở hàng hóa lỏng (Dầu, hóa chất).
- Container hở mái – Open top container: Chuyên chở hàng máy móc, hàng quá khổ về chiều cao.
- Container mặt bằng – Flat rack container: Chở hàng hóa quá khổ – quá tải, hàng siêu trường – siêu trọng.
- Container đường hàng không – AMP Container: Chuyên dùng để chở hàng hóa tổng hợp trên máy bay.
Cụ thể, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết về 6 loại container phổ biến hiện nay ngay phần dưới đây.
Container khô – Dry Container
Container khô, tiếng Anh gọi là Dry Container, là loại container phổ biến nhất được dùng trong vận tải hàng hóa. Nó giống như một cái hộp lớn bằng thép, kín mít, dùng để chở những hàng hóa thông thường không cần điều chỉnh nhiệt độ.
Ký hiệu container khô tiêu chuẩn: DC – Dry Container
Ký hiệu container khô cao: HC – Hi Cube
Đặc điểm container tiêu chuẩn
- Bền chắc: Làm bằng thép chịu lực, chống chịu được va đập trong quá trình vận chuyển.
- Kín nước: Bảo vệ hàng hóa khỏi mưa nắng, ẩm ướt.
- Đa dạng kích thước: Thường gặp nhất là loại 20 feet và 40 feet, phù hợp với nhiều loại hàng hóa và phương tiện vận chuyển từ tàu thuyền cho đến xe đầu kéo hay toa tàu hỏa.
Các loại hàng hóa phổ biến nên sử dụng container khô
- Quần áo, giày dép
- Đồ nội thất
- Linh kiện điện tử
- Vật liệu xây dựng
- Hàng tiêu dùng…
Container lạnh – Reefer container
Container lạnh hay container bảo ôn (Reefer container) nó giống như là một “chiếc tủ lạnh khổng lồ” dùng để vận chuyển hàng hóa cần được giữ lạnh hoặc đông lạnh trong suốt hành trình dài. Bạn có thể hình dung nó như một container khô thông thường nhưng được trang bị thêm hệ thống làm lạnh và cách nhiệt đặc biệt.
Ký hiệu container lạnh: RE – Reefer container
Ký hiệu container lanh cao: HR – Hicube Reefer
Đặc điểm của container lạnh
- Có thể điều chỉnh nhiệt độ bên trong container từ -25°C đến 25°C tùy theo yêu cầu của từng loại hàng hóa.
- Vỏ container được làm bằng vật liệu cách nhiệt, giúp duy trì nhiệt độ ổn định bên trong và tiết kiệm năng lượng.
- Được trang bị máy lạnh công suất lớn, đảm bảo làm lạnh hiệu quả cho toàn bộ không gian bên trong
- Sàn container có các rãnh hình chữ T giúp không khí lạnh lưu thông đều khắp container, đảm bảo nhiệt độ đồng đều cho tất cả hàng hóa
Hàng hóa thường được vận chuyển bằng container lạnh
- Thực phẩm đông lạnh: Thịt, cá, hải sản, kem…
- Rau củ quả tươi: Sầu riêng, thanh long, nho…
- Hoa tươi
- Dược phẩm, vắc xin
- Hóa chất nhạy cảm với nhiệt độ
Container hở mái – Open top container là gì ?
Container hở mái (Open top container) đặc biệt ở chỗ nó không có nóc cứng như các loại container thông thường. Thay vào đó, phần nóc được thiết kế mở hoặc có thể tháo rời, giúp việc xếp dỡ hàng hóa cồng kềnh từ phía trên trở nên dễ dàng hơn.
Ký hiệu container hở mái: OT – Open Top
Ví dụ: Hãy hình dung nó giống như một chiếc hộp giấy carton chữ nhật được mở nắp, cho phép bạn chất những món đồ cao vượt quá chiều cao của hộp đó.
Đặc điểm của Container hở mái
- Phần nóc có thể tháo rời hoàn toàn hoặc được che phủ bằng bạt, giúp linh hoạt trong việc xếp dỡ hàng hóa.
- Container hở mái vẫn có cửa ở hai đầu để thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng hóa từ phía trước, phía sau hoặc trên nóc.
- Container hở mái thường được trang bị các xà bạt để cố định bạt che phủ khi cần thiết.
Các loại hàng hóa thường vận chuyển bằng Open Top Container
- Hàng hóa quá khổ: Máy móc, thiết bị công nghiệp, các loại xe…
- Vật liệu xây dựng: Gỗ, thép, ống nước…
- Hàng hóa có chiều cao lớn: Cây cối, thiết bị điện gió…
Container bồn – Tank container
Container bồn (Tank container) là một loại container chuyên dụng được thiết kế để vận chuyển hàng hóa dạng lỏng. Nó như một “bể chứa” hình trụ tròn khổng lồ được đặt ngang chắc chắn trên khung container tiêu chuẩn, cho phép vận chuyển an toàn các chất lỏng bằng nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường thủy, đường bộ, đường sắt.
Ký hiệu container bồm: TC – Tank Container
Đặc điểm của Tank Container
- Có dạng hình trụ, được làm bằng thép không gỉ hoặc nhôm, có khả năng chống ăn mòn và chịu được áp lực cao.
- Bồn chứa được cố định chắc chắn trên khung container tiêu chuẩn, giúp dễ dàng vận chuyển bằng tàu biển, xe lửa, xe tải.
- Bồn chứa được trang bị van xả, van an toàn và hệ thống đường ống để nạp và xả hàng hóa một cách thuận tiện và an toàn.
- Container bồn được trang bị lớp cách nhiệt để duy trì nhiệt độ ổn định cho hàng hóa bên trong, hạn chế việc bị cháy nổ.
Các loại hàng hóa được vận chuyển bằng container bồn
- Chất lỏng công nghiệp: Hóa chất, dầu mỏ, khí hóa lỏng (LPG),…
- Thực phẩm lỏng: Dầu ăn, nước ép trái cây, rượu,…
- Chất lỏng nguy hiểm: Axit, dung môi,…
Container mặt bằng – Flat Rack Container
Container mặt bằng (Flat rack container) là loại container “lộ thiên” với thiết kế đặc biệt, không có phần nóc và hai vách bên hông, chỉ có sàn container và hai đầu hồi.
Ký hiệu container mặt bằng: FR – Flat Rack
Đặc điểm container Flat Rack
- Chỉ có sàn container và hai đầu hồi, tạo không gian mở tối đa để xếp hàng hóa.
- Được làm bằng thép chịu lực, có khả năng chịu tải trọng lớn.
- Container mặt bằng có đầu hồi có thể gập lại, giúp tiết kiệm diện tích khi không sử dụng.
- Được trang bị nhiều điểm móc cố định trên sàn và đầu hồi, giúp chằng buộc hàng hóa chắc chắn trong quá trình vận chuyển.
Các loại hàng hóa được vận chuyển bằng container mặt bằng
- Hàng hóa quá khổ: Máy móc thiết bị nặng, xe cộ, kết cấu thép,…
- Hàng hóa có hình dạng đặc biệt: Tàu thuyền, máy bay trực thăng,…
- Vật liệu xây dựng: Ống thép, gỗ xẻ,..
Container đường hàng không – AMP Container
Container đường hàng không, thường được gọi là ULD (Unit Load Device), là một loại container đặc biệt được thiết kế để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. AMP Container là một loại ULD phổ biến, được sử dụng rộng rãi trên các chuyến bay chở khách và chở hàng.
Ký hiệu container đường hàng không: ULD
Đặc điểm của container đường hàng không AMP
- Được làm từ nhôm hoặc vật liệu composite, giúp giảm trọng lượng và tăng khả năng chịu lực.
- Có hình dạng và kích thước được tiêu chuẩn hóa bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)
- Trang bị cửa đóng mở dễ dàng, giúp thuận tiện cho việc xếp dỡ hàng hóa.
- Một số AMP Container được tích hợp hệ thống theo dõi, giúp giám sát vị trí và tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển.
Các loại hàng hóa thường được vận chuyển bằng container AMP
- Hàng hóa tổng hợp: Quần áo, giày dép, đồ điện tử,…
- Hàng hóa dễ vỡ: Thủy tinh, gốm sứ,…
- Hàng hóa có giá trị cao: Trang sức, kim loại quý,…
- Thư từ, bưu phẩm
Tổng kết
Như vậy, trên đây là 6 loại container phổ biến nhất hiện nay. Mỗi loại container sẽ có đặc điểm và ứng dụng khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Container khô chuyên chở hàng bách hóa, container lạnh chở hàng thực phẩm… hay container flat rack vận chuyển hàng máy móc quá khổ quá tải.
Hi vọng rằng, qua bài viết giới thiệu về các loại container ở trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về loại phương tiện chuyên dùng để đóng gói hàng hóa này.