Cách đọc bảng các thông số kỹ thuật, sơ đồ tải của cẩu dễ hiểu

Tác giả:  Thảo Vy   Thời gian đọc: 6 Phút Đăng ngày:  05/01/2025

Cập nhật: 04/01/2025

Bảng thông số kỹ thuật xe cẩu là thông tin quan trọng giúp người vận hành, chủ doanh nghiệp hay nhân viên phụ trách mua hoặc thuê xe xác định khả năng nâng hạ, di chuyển trên nhiều địa hình và không gian khác nhau. Việc hiểu rõ các thông số này giúp bạn dễ dàng lựa chọn các loại xe cẩu bánh lốp, cẩu tự hành hay cẩu bánh xích sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Trong bài viết này, Di Dời Nhà Xưởng Tiến Phát sẽ hướng dẫn bạn cách đọc sơ đồ tải của cẩu cũng như cách xác định kích thước xe cẩu dễ hiểu và chi tiết nhất.

Các thông số chính của xe cẩu

Dưới đây là các thành phần chính mà bảng thông số kỹ thuật của xe cẩu bánh lốp, cẩu tự hành, cẩu bánh xích hay xe cẩu mini đều có:

  • Tải trọng nâng tối đa (Maximum lifting capacity): Trọng lượng lớn nhất mà cần cẩu có thể nâng được một cách an toàn.
  • Chiều cao nâng tối đa (Maximum lifting height): Là chiều cao lớn nhất mà cẩu có thể nâng vật lên tính từ mặt đất.
  • Bán kính làm việc (Working Radius): Khoảng cách nằm ngang từ tâm xoay của cẩu (trục quay của thân cẩu) đến đầu cần cẩu.
  • Chiều dài cần chính (Main boom length): Chiều dài phần cẩu chính của cần cẩu, tính từ góc cần đến đầu cần.
  • Chiều dài cần phụ (Jib length): Là chiều dài của cần phụ (jib), được gắn vào đầu cần chính để tăng tầm với của cần cẩu.
  • Góc nâng cần (Boom angle): Là góc tạo bởi cần cẩu và mặt phẳng ngang.
  • Tốc độ nâng, tốc độ quay toa.
  • Đối trọng (Counterweight): Là khối lượng được thêm vào phía sau cần cẩu để cân bằng tải trọng khi nâng hàng.
  • Kích thước tổng thể (dài x rộng x cao): Cho biết kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều cao của xe cẩu khi di chuyển.
  • Kiểu chân chống: Thường có 3 dạng bao gồm chữ H, chữ X, chữ V.
cac thanh phan chinh trong bang thong so ky thuat xe cau
Các thông số chính của xe cẩu

Tại sao cần phải đọc sơ đồ tải của cẩu?

Trước khi chọn mua hoặc thuê xe, người đảm nhận công việc phải cần đọc sơ đồ tải để xem xét loại xe cẩu đấy có thể nâng được tải trọng bao nhiêu ở độ cao và chiều dài cần như thế nào. Việc tuân thủ sơ đồ sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro gãy cần cẩu, lật xe cẩu, đứt cáp,…. khi di dời máy móc, chuyển kho xưởng. Đồng thời, nó còn bảo vệ an toàn cho người vận hành và công nhân làm việc xung quanh.

Bên cạnh đó, việc đọc hiểu và tuân thủ các thông số này cũng giúp tránh khỏi tình trạng quá tải và đảm bảo an toàn cho hàng hoá, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất làm việc hơn rất nhiều.

tai sao can phai doc so do tai cua cau
Tại sao cần phải đọc sơ đồ tải của cẩu?

Hướng dẫn chi tiết cách đọc sơ đồ tải dạng trục toạ độ của cẩu bánh lốp

Nhìn vào hình bên dưới, Tiến Phát Group sẽ giải thích rõ các thành phần có trong bảng này và các xác định tải trọng nâng trong từng độ cao và bán kính làm việc cụ thể:

  • Trục ngang: Biểu thị bán kính làm việc (khoảng cách nằm ngang từ tâm xoay của cẩu đến tâm tải trọng).
  • Trục dọc: Biểu thị chiều cao nâng tính từ mặt đất.
  • Mỗi điểm chấm đậm trên sơ đồ được giao bởi các đường cong và bán kính làm việc, chiều cao nâng là tải trọng nâng tối đa mà cẩu có thể nâng. Đây cũng chính là tải trọng an toàn mà xe cẩu có thể nâng trong điều kiện đó.

Đây là ví dụ về xác định tải trọng nâng an toàn dựa vào sơ đồ tải của cẩu:

  • Dựa trên sơ đồ, chúng ta gióng điểm có bán kính làm việc là 18m, chiều cao nâng là 10m, tải trọng an toàn mà cẩu có thể nâng lên là 17.7 tấn.
  • Tương tự, gióng từ điểm có bán kính làm việc là 34m, chiều cao nâng là 34m, ta thấy được tải trọng nâng an toàn là 5.8 tấn.
huong dan cach doc so do tai cua cau
Hướng dẫn chi tiết cách đọc sơ đồ tải dạng trục toạ độ của cẩu bánh lốp

Cách xác định kích thước xe cẩu trong bảng thông số kỹ thuật

Việc xác định kích thước xe là rất quan trọng để xem xe cẩu đó có phù hợp với không gian làm việc và dễ dàng di chuyển trên đường xá mong muốn hay không. Và đây là những thông số chính để bạn nên nắm rõ:

  • Chiều dài tổng thể: Đo từ điểm xa nhất phía trước đến điểm xa nhất phía sau xe cẩu (khi cần cẩu được thu gọn).
  • Chiều rộng tổng thể: Đo khoảng cách lớn nhất giữa hai bên hông xe, thường được đo khi chân chống được mở rộng tối đa.
  • Chiều cao tổng thể: Đo từ mặt đất đến điểm cao nhất của xe cẩu khi cần cẩu được thu gọn.
  • Chiều dài cơ sở: Khoảng cách giữa tâm của bánh trước và bánh sau.
  • Khoảng cách gầm xe: Khoảng cách từ điểm thấp nhất của gầm xe đến mặt đất.
  • Chiều dài chân chống: Khoảng cách từ tâm xoay của xe cẩu đến điểm xa nhất của chân chống khi được mở rộng hoàn toàn.
  • Chiều rộng chân chống: Khoảng cách giữa hai chân chống đối diện khi được mở rộng hoàn toàn.

Ví dụ: Nhìn vào hình bên dưới, các số đo của các thông số trên là:

  • Chiều dài tổng thể: 8710 mm = 871 cm
  • Chiều rộng tổng thể: 2290 mm = 229 cm
  • Chiều cao tổng thể: 3210 mm = 321 cm
  • Chiều dài cơ sở: 1565 + 1685 = 3250 mm = 325 cm
  • Khoảng cách gầm xe: 350 mm = 35 cm
huong dan doc thong so kich thuoc xe cau banh lop
Cách xác định kích thước xe cẩu trong bảng thông số kỹ thuật

Tổng kết

Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách đọc sơ đồ tải của cẩu và cách xác định thông số kỹ thuật xe cẩu. Hiểu được các thành phần trên và cách xác định thông số của nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí khi thuê hoặc mua xe cẩu, đồng thời tăng năng suất và hiệu quả làm việc khi thi công xây dựng, di dời máy móc.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay: 0838 567 678